Thực tế, ô tô khi không sử dụng trong một thời gian dài vẫn có thể phát sinh các hỏng hóc. Một số hỏng hóc có thể chủ động tránh nhưng số khác buộc chủ xe phải đưa xe tới xưởng để xử lý.
Hết điện ác quy
Đây là tình trạng xảy ra tương đối nhiều trong thời gian gần đây. Không chỉ xe cũ, nhiều chủ xe mới sử dụng xe trong 5-6 tháng sau khi không sử dụng xe 1 tuần đã gặp tình trạng khó khởi động máy, bảng điều khiển nháy đèn liên tục hoặc hiện thông báo hết ắc quy.
Một cách được các chủ xe chia sẻ để hạn chế tình trạng này là cách khoảng 5 ngày, chủ xe nên khởi động máy chiếc xe của mình. Có thể bật đèn xe, điều hòa, trong thời gian khoảng 10 phút hoặc lâu hơn để đảm bảo ắc quy của xe được sạc và sử dụng điện.
Trong trường hợp xe đã bị hết ắc quy, chỉ cần một sợi dây câu điện, chủ xe có thể nhờ các xe xung quanh hỗ trợ.
Lốp bị hết hơi
Tình trạng xe không đi, lốp tự bị xuống hơi cũng hay xảy ra. Nguyên nhân được nhiều chủ xe cho rằng một phần diện tích lốp phải chịu áp lực của cả chiếc xe trong thời gian dài.
Để khắc phục, chủ xe cũng chỉ cần bật máy, tiến lên, lùi xuống một chút hoặc di chuyển một đoạn ngắn trong khu vực để vòng bánh xe được xoay.
Rỉ đĩa phanh, kẹt phanh tay
Không cần đỗ xe quá lâu, chỉ cần không sử dụng ô tô sau 1-2 ngày và trước hôm đó trời mưa, chủ xe sẽ thấy trên đĩa phanh xuất hiện những vết rỉ sét. Đây là hiện tượng bình thường, chủ xe chỉ cần sử dụng xe, lưu thông trên đường, những vết rỉ đĩa phanh này sẽ hết.
Một tình trạng khác cũng thường xảy ra với xe đỗ lâu ngày là kẹt phanh tay. Trường hợp này chỉ hay xảy ra với các phanh tay dùng cơ chế kéo, các loại phanh đỗ điện tử, phanh dạng nhấn chân (như Toyota Camry, Honda CR-V 2015) gần như không gặp.
Cách đơn giản nhất để hạ phanh tay bị kẹt là cố di chuyển nhẹ chiếc xe. Có thể thực hiện cách vào số và thêm một chút ga để có lực di chuyển. Tuy nhiên cách làm này nên chú ý người lái phải điều khiển chính xác chân ga để tránh gây ra tai nạn hoặc hỏng hóc nặng hơn.
Khi đỗ xe lâu ngày, các chủ xe được khuyến cáo không nên dùng phanh tay, thay vào đó nên chèn bánh xe bằng vật cứng và để xe ở số N.
Côn trùng, chuột vào khoang máy
Đối với các thành phố lớn ở Việt Nam, số lượng côn trùng vào khoang máy sẽ ít hơn chuột. Việc chuột chui vào khoang động cơ xảy ra tương đối thường xuyên, đặc biệt là những người đỗ xe tại các bãi xe lâu ngày, đỗ xe tại nhà đất.
Chuột chui vào xe ngoài việc có thể cắn các dây điện, đường ống, còn tha vào khoang lấy gió ngoài các thức ăn của chúng, khiến xe bị mùi khó chịu.
Để xử lý được việc chuột chui khoang máy, chủ xe có thể thực hiện bằng cách rửa sạch các vị trí mà chuột từng tha rác vào. Sau đó bôi mỡ bò, xịt dung dịch chống chuột hoặc dầu gió vào tuyến đường mà chuột thường leo vào khoang máy.
Đối với hốc lấy gió ngoài của hệ thống điều hòa, nếu không thể ra gara trong thời gian giãn cách, chủ xe có thể tìm các miếng nhựa, lướt thép nhỏ để bọc hốc này. Hốc lấy gió ngoài thường nằm trong khoang máy, ngay dưới kính lái bên ghế phụ.
Phai màu sơn
Tình trạng này hay gặp đối với các mẫu xe phải đỗ lâu ngày ngoài trời. Đặc biệt là trong những mùa nhiều nắng hoặc mưa thất thường. Bên cạnh đó đỗ xe ngoài trời còn mang đến nguy cơ chiếc xe có thể bị các vật nặng ví dụ cành cây từ cây ở vỉa hè rơi trúng, gây móp một số chi tiết.
Với trường hợp này, tốt nhất chủ xe nên có được một chỗ đỗ có mái che hoặc trong nhà. Nếu buộc phải đỗ ngoài trời nên phủ xe bằng các loại bạt phản quang một màu để phản xạ tốt nhất ánh nắng chiếu vào xe.
Bơm nhiên liệu gặp sự cố
Lỗi bơm nhiên liệu là tình huống hiếm gặp hơn nhưng với một số dòng xe, tình trạng này lại dễ xảy ra hơn. Bơm nhiên liệu có thể không hoạt động sau một thời gian dài không có chất lỏng chảy qua. Điều này khiến xe sẽ không thể hoạt động.
Nhưng không dễ để xác định sự cố do bơm nhiên liệu. Hầu hết các xe trên thị trường chỉ báo chung chung rằng cần kiểm tra động cơ. Việc thay bơm nhiên liệu thường được thực hiện tại xưởng dịch vụ nên trong trường hợp này, lựa chọn duy nhất của chủ xe là gọi xe kéo.
BISONIC News